20 tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh, Hằng (ảnh) theo chồng sang Hàn Quốc. Chưa đầy 14 tháng, cô trở về VN trên chiếc xe lăn và nụ cười ngây ngô...
Nhận được tin nhắn, chiều 22/9/2008, vợ chồng bà Lê Thị Liên Chi (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, Đồng Nai) tất tả lên sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM đón con gái từ Hàn Quốc về. Cả nhà hồi hộp dõi theo dòng người đổ ra. Rồi con gái bà cũng xuất hiện, nhưng là trên một chiếc... xe lăn.
14 tháng trước, cũng tại nơi này, cả nhà tiễn con gái theo chồng về xứ Hàn. Ai cũng mong Hằng sẽ có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng tuy hơn con mình 16 tuổi, nhưng hiền lành, tử tế. Đâu ngờ, ngày về lại oan nghiệt đến thế. Con gái bà không thể tự đứng lên được. Hai tay cứng đờ và không nói được.
|
Thúy Hằng bên người chồng Hàn Quốc trong ngày cưới tại Đầm Sen.
|
Tại căn nhà xập xệ của một con hẻm đất nhỏ ngoằn ngoèo ở thị trấn Tân Phú, tấm hình cưới phóng lớn của Trần Thị Thúy Hằng (con gái bà Chi) bên cạnh chàng rể Hàn Quốc, được đặt trang trọng trên chiếc tủ trà cũ. Gương mặt xinh xắn của cô dâu 20 tuổi trong ngày cưới cách đây gần hai năm, hoàn toàn tương phản với một Thúy Hằng vừa trở về. Hằng đờ đẫn, thỉnh thoảng lại cười ngây ngô, tiêu tiểu không tự chủ...
Vợ chồng bà Chi là người gốc Huế, lưu lạc đến Tân Phú mưu sinh. Bà bán bún riêu, hủ tiếu đầu hẻm. Chồng bà vừa phụ vợ, vừa kiếm thêm vài cuốc xe ôm mỗi ngày. Năm đứa con thì hết bốn đứa phải nghỉ học sớm.Hằng cũng học đến lớp 5 là nghỉ học đi bán vé số, kiếm tiền giúp cha mẹ. Cả xóm ai cũng quý cô bé Hằng, vừa chịu khó, vừa thương cha, thương mẹ, vui vẻ với xóm giềng.
Thấy mấy người bạn có con lấy chồng nước ngoài vừa sung sướng lại vừa có tiền gửi về cho cha mẹ, bà Chi cũng nảy ý định gả con xa. Lúc đầu, Hằng gạt đi. Nhưng đến khi đứa em trai đậu cao đẳng, thấy nhà không có tiền lo cho em lên TP.HCM ăn học, thế là Hằng đồng ý.
|
Bà Liên Chi đang xoa bóp tay cho con.
|
Hằng lọt ngay vào mắt một người đàn ông Hàn Quốc có vẻ hiền lành, khá đẹp trai, hơn Hằng 16 tuổi, thông qua một đường dây môi giới chui. Lễ cưới tập thể được tổ chức vội vàng cho bảy cặp tại Đầm Sen, sau ngày coi mắt đúng một hôm. Đám môi giới đưa cho mẹ Hằng 300 USD. Người chồng đưa thêm 200 USD và cho riêng Hằng 300 USD. Rồi chồng Hằng về Hàn Quốc. Chín tháng sau, Hằng sang với chồng.
Thời gian đầu, mỗi khi gọi điện thoại về nhà, Hằng cứ thắc mắc với mẹ không hiểu tại sao chồng không thích có con, cứ bắt phải uống thuốc trước khi quan hệ. Thêm một thời gian, thấy chồng hay kêu nhức đầu, Hằng cũng gọi điện về báo cho mẹ hay. Lần cuối cách nay hơn năm tháng, Hằng gọi về nói chồng đã đưa mình về nhà với cha chồng ở Yeong-Gun, cách Seoul hai giờ xe hơi. Từ đó mất luôn tin tức.
Ông mục sư Tin lành người Hàn Quốc, cùng người thông dịch đưa Hằng từ Hàn Quốc về, kể: Khi Hằng phát hiện chồng bị bệnh, cũng là lúc Shin Nam Ho - chồng Hằng, phải nghỉ việc vào điều trị tại BV tâm thần (đến nay vẫn chưa được ra viện, cũng không hề biết người vợ VN của mình phải trải qua một cơn thập tử nhất sinh, điều trị bốn tháng tại BV, nay đã trở về VN). Đòi vào BV thăm chồng không được, Hằng chán nản không muốn sống nữa. Sẵn nhà có thuốc trừ sâu (gia đình có vườn nho), Hằng nhắm mắt uống một hơi.
Ngày 12/4/2008, Hằng được đưa vào một BV tại Hàn Quốc trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do ngộ độc. Sau bốn tháng điều trị tại BV ở Hàn Quốc bằng tiền quyên góp từ thiện, ra viện, Hằng được ông mục sư (người đã nuôi nấng, chăm sóc Hằng tại BV) đưa về VN.
Bà Chi nghẹn ngào: “Trăm sự chỉ tại tôi cho con đi lấy chồng mà không biết gì về chồng nó, chỉ nghe bọn môi giới để giờ con tôi khổ thế này”. Giờ đây, bà chăm sóc con như chăm một đứa bé đang tuổi đi. Từ ăn uống, tiêu tiểu đến tắm gội, vệ sinh cá nhân, Hằng đều phải nhờ người khác chăm sóc...