| Trần Đại Nhật: "Tại sao những đứa con lai gốc Mỹ, Pháp sau chiến tranh được Chính phủ hai nước quan tâm hỗ trợ, còn con lai Hàn thì không?". |
(Dân trí) - “Tôi muốn tìm lại công bằng cho những bà mẹ Việt vì chút yếu lòng hay bị cưỡng hiếp mà lỡ có con lai Hàn trong chiến tranh. Họ phải chịu bao vất vả, cực khổ nuôi con trong ánh mắt dè bỉu, rẻ khinh của xóm làng…”.
Đó là tâm sự của nhà văn Trần Đại Nhật (tên thật là Trần Văn Ty, tên Hàn là Kim Sang Il), một đứa con lai Hàn.
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Đứa con lai Hàn - Trần Đại Nhật
Thời buổi ly loạn, biết bao nhiêu người phụ nữ vì muốn tìm một chỗ nương tựa, vì chút yếu lòng hay vì sức yếu thế cô mà bị giặc cưỡng hiếp… Và những đứa con sinh ra trở thành vô thừa nhận.
Trần Đại Nhật sinh ra tại Tuy Hòa, Phú Yên vào năm 1970. Vùng đất này vốn là nơi đóng quân của Sư đoàn Mãnh Hổ (lính Đại Hàn). Những cuộc mua bán trao đổi giữa cư dân quanh khu căn cứ với lính Hàn, những cuộc vui chơi của lính Hàn, và cả những trận càn… đã sinh ra những đứa con lai Hàn như Trần Đại Nhật.
Khi chiến tranh kết thúc, bắt đầu hiểu biết thì Trần Đại Nhật đã tự cảm nhận được thân phận của mình: “Nép bên mẹ tôi như người có tội/ Tội sinh ra đời mang dòng máu con lai” (tập thơ Những đứa con lạc loài trong phố của Trần Đại Nhật - NXB Thanh Hóa, năm 2007). Anh không hề có bạn, vì luôn bị chế giễu: “Chúng bạn hỏi: mầy là con ai/ Phải con củ con khoai không hở”.
Để được đi học và tránh sự kỳ thị, anh phải rời vùng quê của mình ra phố. Nhưng đôi mắt một mí, dáng người thấp đậm đặc trưng của đứa bé Hàn không thể giấu được ai. Anh vẫn bị khinh thị và “Phố phường đông vui, rộn rã tiếng cười/ Bỏ quên chúng tôi như người thừa thãi”.
Từ ngày đó, anh đã trăn trở: “Ai cũng có mẹ cha hôm sớm/ Sao riêng tôi chỉ có nỗi buồn”.
…và nỗi đau luân lạc
Năm 1989, nghe tin có Hiệp hội Hảo tâm Hàn Quốc sang Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam tìm con lai, Trần Đại Nhật khăn gói vào TPHCM hy vọng nhờ họ tìm giúp cha mình. Hiệp hội này thành lập Trung tâm Nhân đạo để dạy nghề cho những đứa con lai trong khi chờ đợi tìm kiếm người thân cho họ. Nhưng hoạt động của trung tâm rất yếu vì thiếu kinh phí, mức hỗ trợ học nghề cho những đứa trẻ lai Hàn rất thấp.
Những đứa trẻ lai Hàn từ các tỉnh tập trung về đây phải bỏ ra ngoài làm đủ thứ nghề để sinh sống, trong đó có Trần Đại Nhật. Anh lặn lộn với đủ thứ nghề như đạp xích lô, phụ hồ, chạy bàn, tiếp tân… để mưu sinh và tiếp tục chờ đợi.
Những trăn trở của Trần Đại Nhật được dồn vào các tác phẩm của mình.
Vì học vấn thấp, đa số những đứa trẻ lai Hàn tập trung vào TPHCM cùng đợt với Trần Đại Nhật đều phải đi làm những nghề vất vả như anh. Và “Khuya, về chung trong căn phòng nhỏ/ Mơ gọi thầm hai tiếng cha ơi!”.
Nhiều người con gái lai Hàn hơi có nhan sắc phải cam chịu làm cái nghề “đứng đường”. Và khi ấy, nỗi lo sợ lớn nhất của họ lại là… vô tình gặp lại cha. Nỗi đau đó anh kể rõ trong tập thơ Những đứa con lạc loài trong phố của mình: “Đêm. Có những đứa em lo sợ phập phồng/ Sẽ gặp lại cha mình trong đám ấy/ Những gương mặt với làn da bóng nhẫy/ Vung tiền mua lấy tiếng cười!”.
Cũng trong thời gian này, anh liên hệ và trợ giúp nhiều cá nhân từ thiện đến từ Hàn Quốc, giúp họ đi tìm những trường hợp con lai đang ở Việt Nam. Chỉ vài năm, danh sách của anh đã lên đến con số ngàn. Và những mảnh đời mà anh được biết cũng mang lại cho anh hàng ngàn nỗi đau.
19 năm kiếm tìm là 19 năm đau và chứng kiến nỗi đau của những đứa con lai Hàn khác. Anh đau lòng khi nghe có đứa bé bị chính mẹ mình vứt vào thùng rác trong những năm chiến tranh. Anh buốt tim khi chứng kiến những đứa con lai Hàn vì không có giấy tờ tùy thân, vì kỳ thị của xã hội mà thất học, phải lam lũ mưu sinh.
Và nỗi đau ấy anh gọi là nỗi đau luân lạc của Những mảnh đời luân lạc (tập truyện ngắn của Trần Đại Nhật, NXB Hội Nhà văn, năm 2008).
Hành trình đi tìm cha…
Trong thời gian chờ đợi Hiệp hội Nhân đạo Hàn Quốc giúp tìm kiếm cha mình, Trần Đại Nhật học tiếng Hàn. Năm 1993, anh thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM. Anh quen được nhiều người Hàn đang học tập ở đây. Nhờ họ giúp đỡ, anh được nhận công việc phát báo tiếng Hàn cho những doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn ở TPHCM.
Từ việc phát báo, anh tìm được việc làm ổn định cho một công ty Hàn có văn phòng tại TPHCM. Năm 1998, Trần Đại Nhật được công ty cử sang Hàn Quốc làm việc tại bộ phận phụ trách khu vực Đông Nam Á của công ty mẹ. Anh cũng được học thêm nghiệp vụ kinh doanh và tiếng Hàn ở trường ĐH Yonsei.
Trong thời gian này, tranh thủ những ngày nghỉ, anh đi tìm những người Hàn đã từng tham chiến tại Việt Nam, mong gặp lại cha mình. Anh vào tận Quốc hội Hàn Quốc để nhờ họ tìm tung tích của cha.
Cuối cùng, các bạn bè của anh ở Hàn Quốc cũng tìm được cha cho anh. Anh bất ngờ được gặp lại cha tại chính công ty của mình. Nhưng anh kiên quyết không nhận ông là cha mình, mà chỉ là người góp phần sinh ra mình. Lúc ấy anh nói: “Tôi chỉ nhận ông là cha khi ông trở về Việt Nam để mẹ tôi nhận ông là chồng”. Anh kiên quyết như thế dù rất đau lòng, vì anh nghĩ vậy mới công bằng.
Nhưng kết cục không như ý muốn. Tâm sự cùng chúng tôi, anh cho biết: “Tôi đã tìm ra được cha cho hai chị gái tôi, nhưng cha của tôi thì chưa”.
"Tôi chỉ nhận ông là cha khi ông trở về Việt Nam để mẹ tôi nhận ông là chồng".
…Và tìm lại công bằng
Trong quá trình tìm kiếm, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam, anh nhận ra: có người có nhiệt tâm giúp con lai nhưng không đủ tài lực, cũng có người chỉ xem đó là một chuyến phiêu lưu trong kỳ du lịch, cũng có kẻ rắp tâm lợi dụng danh nghĩa của những đứa con lai Hàn để về Hàn Quốc nhận tài trợ, lừa đảo… Những đứa con lai Hàn thì cứ mỏi mòn chờ đợi trong hy vọng, những hình ảnh thư từ chứng cứ về nguồn gốc và người chồng, người cha Hàn Quốc của họ thì cứ mất dần.
Anh cũng chứng kiến những kẻ mượn danh trợ giúp để lừa đảo tiền bạc, thân xác của những con người đau khổ. Những kẻ thú tính mạo danh đạo đức đem tiền tài dụ dỗ những đứa trẻ đang mong mỏi được đổi đời nếu tìm được cha. Anh góp nhặt tất cả viết nên những truyện ngắn in trong tập Những mảnh đời luân lạc để tố cáo chúng. Và anh cũng nhận ra rằng: chỉ có tự mình mới có thể giúp được mình.
Sợ rằng nỗi đau này sẽ đi vào quên lãng, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1990, anh bắt đầu đi tìm và thống kê danh sách những đứa con lai Hàn từ Thừa Thiên - Huế trở vào Nam. Sau đó, dựa vào các mối quan hệ và vốn tiếng Hàn của mình, anh trực tiếp tìm kiếm người thân cho họ.
Đến nay, anh đã giúp được 38 gia đình đoàn tụ. Tuy nhiên, có người nhận vợ con, có người còn trợ giúp đứa con lai của mình ở Việt Nam; cũng có người chỉ nhìn con một lần rồi trở về nước, không liên lạc lại nữa.
Do đó, anh tập hợp tất cả gần 500 người con lai mà anh quen biết thành lập Câu lạc bộ Con rơi Đại Hàn và liên hệ với văn phòng luật sư tại Hàn Quốc để kiện đòi quyền lợi cho những bà mẹ có con lai Hàn ở Việt Nam.
Anh cho biết hành trình này chỉ mới khởi động, và sẽ rất gian nan. Nhưng anh vẫn muốn làm vì những người mẹ đã mỏi mòn chờ đợi bao năm, những đứa con lai Hàn đã đến thế hệ thứ 2 nhưng chưa từng biết mặt cha, ông của chúng.
Anh bức xúc: “Tại sao những đứa con lai gốc Mỹ, Pháp sau chiến tranh được Chính phủ hai nước quan tâm hỗ trợ, còn con lai Hàn thì không? Tôi muốn tìm lại công bằng cho họ”.
Tùng Nguyên( Dân Trí)
|