Gia đình và hôn nhân của người Hàn
(so sánh với gia đình và hôn nhân của người Việt)
1. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN
Gia đình của người Hàn có hai loại hình: gia đình lớn và gia đình nhỏ. Ngày nay gia đình lớn chiếm một tỷ lệ nhỏ, có xu hướng giảm đi. Loại hình gia đình chủ yếu, phổ biến ở đô thị và cả ở nông thôn là gia đình nhỏ.
Quan hệ gia đình truyền thống của người Hàn được Nho giáo ảnh hưởng rất sâu sắc. Tính gia trưởng và phụ quyền của gia đình người Hàn rất nặng nề, thể hiện qua vai trò của người chồng, người cha, người chủ gia đình.
Mối quan hệ gia đình với dòng họ của gia đình người Hàn rất chặt chẽ. Đối với người Hàn, gia đình là một bộ phận cấu thành của nhóm họ hàng. Các tông tộc truyền thống và dòng họ hiện đại của người Hàn là các nhóm gia đình ngoại hôn, những người cùng tổ tiên, huyết thống được tính theo nam theo chế độ phụ hệ phụ quyền.
Trong quan hệ hôn nhân truyền thống của người Hàn, quyền kén chọn, quyết định toàn bộ nằm ở trong tay của cha mẹ. Tuy nhiên, trong quan hệ hôn nhân hiện nay, tự do cá nhân ngày càng được khẳng định, nam nữ được quyền tự do chọn bạn đời mặc dù ý kiến của cha mẹ vẫn có ý nghĩa đặc biệt. Trong khi đó quan niệm về dòng dõi, con trai để thờ cúng tổ tiên còn khá ăn sâu trong tiềm thức của người Hàn ngày nay.
Gia đình và hôn nhân của người Hàn nếu so sánh với gia đình và hôn nhân của người Việt, ta có thể thấy những nét tương đồng cũng như dị biệt giữa hai dân tộc. Do cả hai dân tộc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo cho nên chúng ta có thể thấy được những nét tương đồng. Mặc dù vậy, những nết tương đồng của hai dân tộc, không hoàn toàn đồng nhất vì nó đã được Hàn hoá và Việt hoá, có những thay đổi về hình thức và nội dung, hoà lẫn cùng sự pha trộn với bản sắc văn hoá riêng biệt của dân tộc Hàn và dân tộc Việt.
2. NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN:
1. Chúng ta có thể thấy được những nét tương đồng trong các nghi lễ gia đình của hai dân tộc như sau: 1) Nghi lễ trong sinh để: - Kỳ tử và Cầu tự; Thai giáo; Tam thần và bà mụ nặn v.v. 2)Nghi lễ thôi nôi: Cạo trọc đầu cho bé; Lễ thử v.v. 3)Nghi lễ hôn nhân: Môn đăng hộ đối; Vai trò của các bậc cha mẹ; Coi tuổi và coi tử vi; Người làm mai; Tuổi thành hôn v.v. 4) Nghi lễ mừng thọ: Tuổi thọ v.v. 5)Nghi lễ tang ma: Quan niệm được chết ở nhà; Quan niệm về linh hồn và Thế giới bên kia; Tiền phúng điếu v.v 6)Nghi lễ thờ cúng: Quan niệm tôn giáo về tổ tiên; Quan niệm củng cố mối quan hệ huyết thống; Thời điểm tổ chức cúng giỗ v.v.
2. Chúng ta cũng có thể thấy được những nét khác biệt trong các nghi lễ gia đình của hai dân tộc như sau: 1) Nghi lễ trong sinh để: Lễ bán khoán v.v. 2) Nghi lễ thôi nôi: Lễ đầy tháng; Lễ cáo gia tiên v.v. 3)Nghi lễ hôn nhân: Quan niệm người cùng làng cưới nhau; Cheo; Đốt pháo; Đốt hương v.v. 4) Nghi lễ mừng thọ: Quan niệm làng xã tổ chức; Cúng gia tiên trong dịp lễ mừng thọ v.v. 5)Nghi lễ tang ma: Tên hèm; Cha mẹ để tang con; Quan niệm về đất cho người chết hấp thụ sinh khí v.v. 6)Nghi lễ thờ cúng: Cách bày đồ cúng lên bàn cúng; Số nén hương thắp cho cúng lễ v.v.
3. CÁC ỨNG DỤNG/KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN HOẶC NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU:
Tác giả hy vọng việc nghiên cứu về gia đình và hôn nhân của người Hàn có so sánh với gia đình và hôn nhân của người Việt sẽ giúp chúng ta hiểu được những điểm tương đồng lẫn dị biệt về văn hóa trên nhiều khía cạnh cuộc sống, từ nếp sống gia đình bao trùm đến đời sống vật chất và tâm linh, quan niệm cá nhân, sinh hoạt của mỗi cá nhân, phong tục tập quán... trong kho tàng văn hóa phong phú của hai dân tộc.
Nguồn: Cơ sở đào tạo :
Trường ĐH KH Xã hội & Nhân văn – ĐHQG-HCM